Covid-19

Sau gần ba tháng triển khai, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã đến được tay bao nhiêu người lao động?

Theo dõi Top Đà Nẵng trên Google News
Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Sau gần ba tháng triển khai, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã đến được tay bao nhiêu người lao động? Một gói hỗ trợ thứ hai là cần kíp lúc này, khi dịch bệnh đã quay lại. Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao đổi với ông Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI).

can goi ho tro moi cho 691596732251

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19?

Ông Phùng Đức Tùng: Theo kết quả khảo sát 6.300 hộ gia đình ở 3.000 xã, phường (chiếm khoảng 1/3 xã, phường trên cả nước) ở 63 tỉnh, thành - do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với MDRI thực hiện - tính đến hết tháng 6/2020, những trường hợp đã nhận được tiền hỗ trợ hầu hết là người thuộc diện chính sách (hộ nghèo, người dân tộc thiểu số…). Phần lớn các hộ kinh doanh nhỏ, người lao động bị mất việc, đặc biệt là người lao động di cư - đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong dịch - vẫn chưa thể chạm được đến gói hỗ trợ này. Nhiều thủ tục gây khó khăn cho người dân khiến họ không thể nhận được tiền.

Một trong những lý do dẫn đến sự bất cập này là nội dung hướng dẫn quy trình triển khai khá phức tạp và không minh bạch, khiến ngay cả lãnh đạo địa phương cũng bối rối. Ví dụ, một người dân ở tỉnh khác đến TP. Hà Nội mở hàng nước ở vỉa hè thì sẽ nhận tiền ở đâu, ở quê hay ở TP. Hà Nội? Ai xác nhận người này đang kinh doanh và bị thiệt hại do dịch? Chính quyền địa phương nơi người này đang cư trú không thể biết và xác nhận được.

Với những người bán hàng rong có phạm vi kinh doanh trên diện rộng, địa phương càng khó xác định hoàn cảnh. Trường hợp đặc biệt nữa là những người bán hàng qua mạng (xu hướng mới của nền kinh tế số). Rất khó đưa ra bằng chứng để chính quyền địa phương xác nhận rằng họ bị giảm thu nhập do dịch bệnh. Hậu quả là, lãnh đạo có xu hướng sợ trách nhiệm và có tư duy thà không làm để không mắc lỗi.

Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả triển khai gói 62.000 tỷ đồng, điều chỉnh các hướng dẫn thực hiện sao cho minh bạch, đơn giản và cần tổng kết, đánh giá sơ bộ việc triển khai nó ở các địa phương. Thực tế cho thấy, ở Nghệ An, Hà Tĩnh và một số nơi đã phát hiện nhiều trường hợp người thân của cán bộ thôn, xã không nghèo nhưng vẫn có tên trong danh sách hộ nghèo và được hưởng gói hỗ trợ này.

* Theo ông, để gói hỗ trợ kịp thời đến với người dân, cần phải xóa bỏ những quy trình nào?

- Vấn đề cần được giải quyết ngay là thủ tục. Cần đơn giản, thu gọn lại quy trình giấy tờ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Gói hỗ trợ hoàn toàn có thể triển khai theo hướng người nhận tiền tự chịu trách nhiệm với thông tin kê khai của mình.
Cùng rơi vào tình cảnh bị mất việc nhưng những người lao động có hợp đồng có thể cung cấp hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội để chứng minh với cán bộ phường, xã để được xác nhận thuộc đối tượng hỗ trợ.

Còn với người lao động tự do, nếu đòi hỏi họ bằng chứng thì rất khó, do vậy, chính quyền địa phương cần phải linh hoạt, có các yêu cầu về thủ tục khác nhau, phù hợp với từng đối tượng. Tiếp đến, nội dung hướng dẫn kê khai phải cụ thể và dễ thực hiện. Chính quyền địa phương cần có bộ phận hỗ trợ giải đáp giúp người dân và phải phổ biến rộng rãi qua nhiều kênh thông tin khác nhau về gói hỗ trợ.

Để đảm bảo gói hỗ trợ được minh bạch từ cả phía người dân lẫn chính quyền, các địa phương có thể triển khai theo hướng hậu kiểm, tức người nhận tiền ký cam kết nếu cố tình gian lận sẽ phải chịu trách nhiệm về sau. Chính quyền địa phương cũng không nên là nơi phát tiền. Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận, có khoảng 70% người dân nhận tiền mặt từ cán bộ địa phương. Chính quyền chỉ nên có nhiệm vụ ký giấy xác nhận, hoàn thành thủ tục giấy tờ, còn tiền sẽ được chuyển khoản đến người dân hoặc người dân đến ngân hàng nhận.

Người lao động tự do rất khó để đưa ra bằng chứng bị thiệt hại trong dịch
Người lao động tự do rất khó để đưa ra bằng chứng bị thiệt hại trong dịch
* Bắt đầu triển khai từ tháng Năm, đến ngày 29/6, các địa phương đã giải ngân hơn 11.000 tỷ đồng, tức chỉ gần 1/5 số tiền hỗ trợ cho hơn 11 triệu người. Theo ông, gói hỗ trợ liệu đã mất tính kịp thời và số tiền 3 triệu đồng/người có quá ít đối với người dân?

- Theo báo cáo mới đây của WB, đại dịch đã làm khoảng 75% hộ gia đình Việt Nam có lúc bị mất thu nhập từ tháng Hai, chủ yếu do mất việc làm và bị giảm thu nhập.
Ở giai đoạn đầu của dịch, người dân vẫn đủ sức cầm cự do có thể sử dụng tiền tích cóp trước đó; họ có thể vay mượn từ bạn bè, người thân và nhận được nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng. Mọi nguồn lực đã được dồn cho đợt dịch trước nên khi dịch bệnh tái phát, người dân sẽ không đủ sức chống chọi.

Hiện nay, gói hỗ trợ vẫn chưa giải ngân được bao nhiêu nên cần tiếp tục giải ngân cho các đối tượng bị ảnh hưởng. 3 triệu đồng không phải là số tiền lớn lúc này nhưng cũng không nhỏ để giúp người lao động đảm bảo nhu cầu tối thiểu trong một tháng.

* Người lao động chưa kịp phục hồi đã phải đối mặt với đợt dịch thứ hai với diễn biến phức tạp và có nguy cơ kéo dài. Chính phủ nên sớm có gói hỗ trợ thứ hai?

- Nhà nước bắt buộc phải duy trì gói hỗ trợ này, nhưng không chỉ bằng cách trực tiếp là hỗ trợ tiền mà còn có thể thông qua nhiều cách gián tiếp, cũng như cần phải kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, huy động nhiều nguồn lực của xã hội. Ví dụ, Nhà nước có thể miễn thuế hoàn toàn, giảm giá điện, hỗ trợ giá nước cho những cơ sở kinh doanh lưu trú giảm giá thuê nhà cho người lao động.

* Trong dài hạn, để khôi phục nền kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân, Chính phủ cần có những chính sách gì, thưa ông?

- Chính phủ cần giải ngân các dự án công, cụ thể là dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây là cách bơm vốn ra xã hội, tạo việc làm cho người dân. Tôi lấy ví dụ, xây một con đường thì đòi hỏi phải có xi măng, sắt thép, như vậy hai ngành này sẽ có cơ hội được phục hồi. Bên cạnh đó, quá trình thi công sẽ tạo ra nhiều dịch vụ ăn theo như lưu trú, ăn uống. Nhiều người lao động, chủ kinh doanh sẽ hưởng lợi từ các công trình công như vậy. Chưa kể, về lâu dài, cơ sở hạ tầng tốt sẽ giảm được chi phí vận chuyển, có lợi cho việc giao thương. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đầu tư vào hạ tầng viễn thông, triển khai đầu tư phủ sóng cả nước kết nối 4G hoặc 5G nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số trong tương lai.

Ngoài ra, tôi cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ công bằng giữa doanh nghiệp tư và doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ không thể tung cả chục ngàn tỷ đồng để cứu doanh nghiệp nhà nước mà bỏ rơi khối tư nhân. Chính phủ có thể giảm giá xăng dầu, giảm phí đường cao tốc, thậm chí là mua lại đường cao tốc để miễn phí cho phương tiện giao thông. Giúp doanh nghiệp tư nhân cắt giảm được phí vận chuyển cũng là cách để họ sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại.

Dịch bệnh đã làm thay đổi cách vận hành của thế giới, từ kinh tế, y tế đến giáo dục. Vì vậy, về dài hạn, Chính phủ cũng nên có các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp đang đầu tư vào ngành kinh tế số. Đó cũng là cách chúng ta chuẩn bị cho một nền kinh tế sau đại dịch. Nếu không được đầu tư ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số sẽ khó trụ được trước các “ông lớn” của nước ngoài. Khi đó, vấn đề đặt ra không chỉ là cán cân thương mại mà còn là các vấn đề về dữ liệu thông tin, an ninh quốc gia.
* Xin cảm ơn ông đã chia sẻ.

Thanh Uyên

link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/ai-da-nhan-duoc-goi-ho-tro-62-000-ty-dong--a1414864.html

tinh bột nghệ đà nẵng

Công ty vệ sinh công nghiệp 5S

Tin thời sự nổi bật

logo quehuongngaynay

Liên hệ quảng cáo

 Hotline: 0905.101.201

Email: topdanang.vn@gmail.com

qrcode 7892223

©2024 TOPDANANG.VN giữ bản quyền website này. Liên hệ quảng cáo 0905.101.201

Search

icon zalo
messenger facebook
Don't have an account yet? Register Now!

Sign in to your account