Đề xuất giá điện 1 bậc của Bộ Công thương với mức giá từ 2.700 - 2.900 đồng/kWh đã gây thất vọng cho hầu hết người tiêu dùng.
Theo chuyên gia, giá điện 1 bậc được đưa ra là quá lớn và thiếu cơ sở ẢNH: THANH HẢI
Ngày 10.8, Bộ Công thương chính thức lấy ý kiến dự thảo biểu giá điện mới. Theo đó, đối với khách hàng sử dụng cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất lấy ý kiến trong bảng dự thảo với 2 phương án. Phương án 1 là biểu giá bán lẻ điện tính theo 5 bậc trên cơ sở 6 bậc hiện tại, và phương án 2 tính theo 5 bậc và 1 bậc (gồm 2 phương án 2A và 2B). Đặc biệt, tại phương án 2A và 2B, giá điện tính theo bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) cao hơn rất nhiều so với bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) của phương án 1, từ 3.449 - 5.109 đồng/kWh, trong khi giá điện bậc 5 của phương án 1 chỉ 3.132 đồng/kWh. Thế nên, mức giá điện 1 bậc được tính theo phương án 2A và 2B cao hơn, lần lượt 2.703 đồng/kWh (bằng 145% mức giá điện bình quân) và 2.890 đồng/kWh (bằng 155% mức giá điện bình quân).
Biểu giá 1 bậc không dành cho 98% hộ dân ?
Với các mức giá nêu trên, theo phương án 2A, giả sử khách hàng dùng 400 kWh/tháng theo cách tính 5 bậc sẽ đóng ít hơn so với mức giá hiện nay, nhưng nếu khách hàng này chọn trả 1 giá là 2.703 đồng/kWh thì phải đóng cao hơn đến 186.300 đồng/tháng. Còn trả 1 giá theo phương án 2B phải đóng cao hơn 261.074 đồng/tháng. Trong khi đó, theo số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), số hộ sử dụng điện dưới 400 kWh lên đến hơn 22 triệu hộ. Như vậy, trong biểu giá điện mới này, có ít nhất 22 triệu hộ dân không thể chọn cách trả điện 1 giá.
Tương tự, với khách hàng dùng từ 401 - 700 kWh/tháng, số tiền phải đóng mỗi tháng theo 5 bậc tương đương cách tính theo 6 bậc hiện nay, nhưng nếu chọn trả 1 giá phải trả chênh lệch thêm từ 102.000 - 233.000 đồng/tháng, tùy chọn phương án 1 giá 2.703 đồng hay 2.890 đồng/kWh. Trong khi đó, theo Bộ Công thương, có đến 98,2% số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh. Như vậy, mức điện 1 giá được đưa ra không biết dành cho đối tượng khách hàng nào?
Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị sửa đổi cách tính tiền điện
Trước đó, vào đầu tháng 7.2020, kết quả khảo sát của Thanh Niên Online với bạn đọc cũng cho ra tỷ lệ 79% người tham gia bình chọn muốn trả tiền điện 1 giá. Nay với mức 1 giá cao hơn mức bình quân 145 - 155%, chắc chắn có hàng chục triệu hộ gia đình tạm chia tay với mong muốn, kỳ vọng, ý định lựa chọn 1 giá.
Một số hộ tiêu dùng tại TP.HCM từng tham gia khảo sát trên Thanh Niên Online và chọn phương án trả tiền điện 1 giá tỏ ra thất vọng với biểu giá mới này. Ông Nguyễn Tân (ở Q.11, TP.HCM), chủ hộ gia đình dùng tầm 360 - 400 kWh/tháng, từng rất hồ hởi chọn phương án trả tiền điện theo 1 giá nay tiu nghỉu nói: “Tưởng giá tầm 2.000 - 2.200 đồng/kWh, cao hơn mức trung bình 20%, chứ nay gần 3.000 đồng/kWh, sao chọn nổi. Điện 1 giá không dành cho hộ bình dân rồi!”. Còn bà Đặng Diệu Hồng (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) nói, dùng trên 700 kWh họa may còn nghĩ đến 1 giá. “Đưa ra một lựa chọn mới cho khách trả tiền điện nhưng không dành cho số đông, vậy có thể nói là cách đối phó hoặc làm cho có lệ không?”, bà nêu vấn đề.
Ép lên cao để trả xuống mức kỳ vọng ?
Theo Bộ Công thương, biểu giá đề xuất “trên cơ sở đã tiếp thu, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị của Quốc hội, các bộ ngành, tổ chức, đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh thành, hiệp hội ngành nghề, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các tổng công ty điện lực...”. Với phương án 2, đưa ra cách tính 5 bậc và 1 bậc, Bộ Công thương cho rằng khách hàng có thêm quyền lựa chọn. Trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
“Hai phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt. Các phương án sửa đổi nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện hiện nay”, Bộ Công thương nêu quan điểm. Đặc biệt, trong dự thảo, Bộ này cũng đưa ra tiêu chí hộ nghèo về thu nhập do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Không đồng ý với khẳng định “hai phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt” của Bộ Công thương, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), phản biện: Với phương án 5 bậc giá, Bộ Công thương đề xuất rút từ 6 bậc xuống 5 bậc nhưng giá điện tại từng bậc lại tăng cao hơn. Chẳng hạn, ngay từ bậc 2 với hộ dùng từ 101 kWh trở lên đã áp giá cao hơn giá điện bình quân 8% nên chắc chắn nếu tính ra, người dùng sẽ phải trả cao hơn so với cách tính hiện tại trên cùng 1 số lượng điện tiêu thụ. Tương tự, giá điện 1 bậc lại áp giá bình quân cao hơn giá bình quân hiện tại từ 1,5 - 2 lần, người tiêu dùng chọn trả bằng giá điện bình quân cũng thiệt hơn so với hiện nay.
Sốc với biểu giá điện mới
Theo ông Lâm, sai lầm mấu chốt trong cách tính giá điện hiện nay của Bộ Công thương là không đảm bảo nguyên tắc tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc (5, 6 ,7 bậc...) cho khách hàng (T2) phải cân bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân (T1). Các đoàn thanh tra hằng năm kiểm toán cũng không công bố các con số này nên ngành điện muốn thu lại bao nhiêu, để tổng doanh thu theo bậc từ khách hàng lớn hơn tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân bao nhiêu thì áp giá ở từng bậc bấy nhiêu. Trong khi đó, nếu ngay từ đầu công khai, đảm bảo đủ nguyên tắc T1 luôn bằng T2 thì dù có chia 3 hay 5, 7 bậc, giá trung bình tính ra cũng đều quay về giá bình quân, không thể cao hơn.
“Mặt khác, với giá điện 1 bậc, việc tính giá điện lên tới 2.700 - 2.900 đồng như đề xuất của Bộ Công thương là quá lớn và không có cơ sở. Giá điện bình quân hơn 1.860 đồng/kWh hiện nay đã bao gồm cả chi phí và lãi. Trong nhiều cuộc họp tính toán về giá điện trước đây, chính Bộ Công thương khi phát biểu cũng chỉ bày tỏ mong muốn được tăng giá bình quân lên 2.400 - 2.500 đồng/kWh là đạt yêu cầu. Vậy giờ tăng lên đến gần 3.000 đồng/kWh là quá vô lý. Phải chăng đơn vị này đang muốn tạo sức ép đẩy giá cao lên để khi “trả giá” xuống thấp hơn một chút là vừa ý nguyện?”, ông Lâm thẳng thắn đặt vấn đề.
Ngoài ra, TS Lâm cũng lưu ý khi chọn áp dụng biểu giá điện 1 bậc bằng giá bình quân, cũng cần có cơ chế để giá điện thay đổi lên/xuống do thị trường quyết định. Giá điện bình quân sẽ được tính toán lại theo từng năm hoặc từng quý, phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào như nguyên liệu, thời tiết… Chỉ khi nào giá điện bình quân tăng đột biến lên hơn 10% mới phải xin ý kiến Thủ tướng. Nếu đảm bảo nguyên tắc thị trường, ngành điện sẽ không phải sợ thiệt, không phải “tìm mọi cách” để đẩy giá điện lên cao như hiện nay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/soc-voi-bieu-gia-dien-moi-1264418.html
Tin mới
- Hé lộ chiêu thổi giá thiết bị y tế 7,6 tỉ thành 40 tỉ đồng, lừa đảo bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - 02/09/2020
- 19 năm tù cho nhóm đối tượng đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại Đà Nẵng - 29/08/2020
- Nhân viên văn phòng đăng ký đất đai lấy 19 sổ đỏ của dân cho người khác 'mượn' - 27/08/2020
- Bắt giữ 31 người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam - 26/08/2020
- Nữ nghi phạm bắt cóc bé 2 tuổi có nhân thân phức tạp - 23/08/2020
- Chính phủ dự kiến tung gói hỗ trợ 90.000 tỷ đồng cho người dân - 22/08/2020
- Đà Nẵng hỗ trợ 3 tỉ đồng cho người lao động khó khăn do COVID-19 - 20/08/2020
- Phó chủ tịch phường ngang nhiên làm sinh nhật trong khu cách ly cùng vợ là bệnh nhân COVID-19 - 20/08/2020
- Đà Nẵng miễn 4 tháng học phí cho học sinh do COVID-19 - 18/08/2020
- Việt Nam đặt mua 50-150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 của Nga - 14/08/2020
Các tin khác
- Việt Nam chưa tính chuyện nhập khẩu vaccine Covid-19 của Nga - 13/08/2020
- Hỗ trợ hơn 300 triệu đồng cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 - 12/08/2020
- Giá vàng rơi thẳng đứng, nhà đầu tư không kịp trở tay - 12/08/2020
- Đà Nẵng: Đề nghị triển khai dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng khi phong tỏa lan rộng - 09/08/2020
- Chân dung 2 kẻ cầm đầu đường dây đưa 44 người Trung Quốc vượt biên, né kiểm soát nCoV - 09/08/2020
- Tiệm vàng "đuổi khách", nhà đầu tư trắng tay vì kiếm tiền thần tốc từ sàn vàng - 09/08/2020
- Triệu tập tài xế lén đưa 6 người từ Đà Nẵng ra Huế trốn cách ly - 09/08/2020
- Ông Trump ký nhiều sắc lệnh hỗ trợ người thất nghiệp đối với người dân Mỹ đang gặp khó khăn giữa đại dịch - 09/08/2020
- Nóng: Máy bay chở người từ vùng dịch về nước gặp nạn, ít nhất 17 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hiện trường thảm khốc tại sân bay Ấn Độ - 08/08/2020