Do trẻ em còn nhiều hạn chế trong việc bộc lộ tình trạng sức khỏe, cha mẹ cần nắm diễn biến của Covid-19 để xử lý phù hợp.
Số lượng ca mắc Covid-19 tại Việt Nam sau Tết Nguyên đán đang liên tục tăng nhanh. Mặt khác, các trường cũng bắt đầu tổ chức dạy học trực tiếp trở lại trong chủ trương thích ứng linh hoạt với SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh đó, nguy cơ trẻ nhỏ nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng. Tuy nhiên, không giống người lớn, khả năng giao tiếp cũng như thể hiện cảm giác của cơ thể khi mắc bệnh của trẻ còn hạn chế.
Dù đa phần trẻ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không triệu chứng khi mắc Covid-19, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, làm việc tại một bệnh viện ở Hà Nội, nhận định phụ huynh nên hiểu rõ về bệnh, từ đó có hướng xử trí phù hợp.
Dấu hiệu
Bác sĩ Cường cho biết điều đầu tiên khiến trẻ em trở thành trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 là bé tiếp xúc với F0 trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng. Lúc này, cha mẹ cần đưa trẻ đi làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 ngay.
Các xét nghiệm sẽ bao gồm:
- Lấy dịch đường hô hấp trên (gồm hầu họng và mũi họng) để test nhanh hoặc xét nghiệm bằng kỹ thuật rRT-PCR.
Khi mẫu bệnh phẩm dịch đường hô hấp trên âm tính nhưng vẫn nghi ngờ về lâm sàng, trẻ có thể được lấy dịch đường hô hấp dưới gồm đờm, dịch hút phế quản, dịch rửa phế nang. Tuy nhiên, phương pháp này ít khi được thực hiện.
Gia đình gồm mẹ và 2 con gái mắc Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Quốc Vương.
Sau khi xét nghiệm, bé sẽ được xác định mắc Covid-19 trong một số trường hợp sau:
- Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp rRT-PCR.
- Tiếp xúc gần F0 và dương tính với SARS-CoV-2 thông qua test nhanh kháng nguyên.
- Có yếu tố dịch tễ và biểu hiện lâm sàng của Covid-19 và test nhanh dương tính với nCoV.
- Có yếu tố dịch tễ và test nhanh dương tính với nCoV 2 lần liên tiếp (trong vòng 8 giờ). Nếu lần 2 âm tính, bé sẽ phải xét nghiệm lại bằng kỹ thuật rRT-PCR.
Các giai đoạn của bệnh
Bác sĩ Cường cho biết: “Thông thường, trẻ sẽ trải qua 3 giai đoạn của bệnh gồm ủ bệnh, khởi phát và phục hồi. Trong một số trường hợp, bé sẽ có thêm giai đoạn diễn biến nặng sau thời điểm khởi phát”.
Cụ thể, giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài từ 4 đến 6 ngày. Một số trường hợp có thể kéo dài tới 14 ngày (2 tuần).
Sau thời gian này, trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn khởi phát. Giai đoạn này có thể kéo dài từ một đến 5 ngày. Một số triệu chứng điển hình trẻ gặp phải trong giai đoạn khởi phát là:
Sốt: Thân nhiệt của trẻ trong thời gian này thường sẽ cao tương tự sốt virus, khoảng 38-39 độ. Một số trường hợp có thể sốt kéo dài tới hơn 7 ngày. Lúc này, cha mẹ sẽ phải liên hệ bác sĩ nhi khoa để xác định căn nguyên kèm theo.
Mệt mỏi: Một số trẻ có thể biểu hiện thêm đau cơ, khớp hoặc đau đầu. Trẻ lớn khi có biểu hiện này sẽ nói và diễn đạt cho bố mẹ. Ngược lại, việc xác định triệu chứng trên với trẻ nhỏ sẽ khó khăn hơn.
Chán ăn: Ăn kém, bỏ bú là những dấu hiệu nhận biết đầu tiên với trẻ mắc Covid-19.
Ho khan hoặc có đờm: Trẻ có thể xuất hiện triệu chứng đau họng, nghẹt hoặc sổ mũi, chảy nước mũi, họng đỏ xung huyết.
Mất vị giác, khứu giác: Triệu chứng này thường sẽ kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí nhiều tháng. Tuy nhiên, bác sĩ Cường cho biết khoảng 95% trường hợp mắc Covid-19 sẽ hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn nếu tập ngửi tốt.
Buồn nôn, nôn, tiêu chảy: Nguyên nhân của các triệu chứng này là hệ vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa bị tổn thương. Ngoài ra, tình trạng này có thể xảy ra do dùng kháng sinh không phù hợp.
Bác sĩ Cường nói thêm: “Một số triệu chứng khác trong giai đoạn khởi phát khi trẻ mắc Covid-19 là xung huyết giác mạc, phát ban, da hồng ấm, giãn mạch”.
Giai đoạn diễn biến nặng chỉ xảy ra với khoảng 2% trẻ em mắc Covid-19. Giai đoạn này thường xuất hiện ở ngày thứ 5 hoặc 8 của diễn biến bệnh và rơi vào các bé có yếu tố nguy cơ cao.
Một học sinh tiểu học tại Hà Nội được đo thân nhiệt trong ngày trở lại trường. Ảnh: Thạch Thảo.
Một số yếu tố nguy cơ cao ở trẻ dễ diễn biến nặng là béo phì; suy dinh dưỡng; đái tháo đường; bệnh lý di truyền rối loạn gene; bệnh tim bẩm sinh; bệnh phổi mạn tính; bệnh lý tâm thần kinh; xơ gan bẩm sinh; suy thận mạn; bệnh máu; đang sử dụng corticoid và thuốc ức chế miễn dịch khi ghép tạng; suy giảm miễn dịch bẩm sinh; ung thư; đẻ non (dưới 37 tuần); không được nuôi bằng sữa mẹ; thường xuyên hít phải thuốc lá thụ động.
Các biểu hiện tiêu biểu khi trẻ diễn biến nặng do SARS-CoV-2 là bé sốt trên 38,5 độ C, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) dưới 96%.
“Với trẻ nhỏ không thể đo ở tay, cha mẹ có thể đo cho bé ở ngón chân cái. Nếu vẫn không được, mẹ có thể kiểm tra môi con có hồng hay không, tay chân ấm không, bú dài hơi được hay phải thở”, bác sĩ Cường gợi ý.
Trẻ mắc Covid-19 diễn biến nặng cũng có triệu chứng thở nhanh, thở gắng sức, thở rên, co rút cơ gian sườn, môi tím, đầu ngón tay, ngón chân lạnh. Bé bỏ ăn, bú kém, buồn nôn, nôn, đi ngoài nhiều (hơn 3 lần/ngày), phân lỏng.
Bác sĩ Cường khuyến cáo: “Khi thấy những triệu chứng trên, cha mẹ cần báo ngay với bác sĩ nhi khoa để được hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời”.
Nếu không có vấn đề bất thường, trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục ở khoảng ngày thứ 7-10. Lúc này, bé sẽ hết sốt, ăn ngon, chơi tốt và ngủ sâu giấc. Trẻ mắc Covid-19 ở thời gian này cũng giảm dần triệu chứng về hô hấp, tiêu hóa và bắt đầu trở lại sinh hoạt hàng ngày.
“Tuy nhiên, phụ huynh vẫn cần chủ động đo SpO2, tần số thở và nhiệt độ cho con để thông báo cho bác sĩ khi cần”, bác sĩ Cường nói.
Xác định thời điểm khỏi bệnh
Bác sĩ Cường cho hay tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly, điều trị với người bệnh Covid-19 được quản lý, chăm sóc tại nhà (bao gồm cả trẻ em) là: Thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc giám sát.
Trong trường hợp sau 7 ngày, kết quả test nhanh còn dương tính, trẻ sẽ phải tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (nếu đã tiêm đủ vaccine) hoặc 14 ngày (nếu chưa tiêm đủ liều vaccine).
“Trạm y tế, nơi quản lý trẻ mắc Covid-19, sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm xác nhận bé khỏi bệnh”, vị chuyên gia nói.
Nguồn Zing
Tin mới
- Covid-19 kéo dài tàn phá cơ thể thế nào - 22/02/2022
- Bị lừa trên mạng, thủ phạm học chiêu trò để lừa lại hơn 60 người khác - 22/02/2022
- Trớ trêu học sinh đến lớp học trực tuyến vì giáo viên... F0 - 21/02/2022
- Vượt mốc 26.000 đồng/lít sau khi tăng gần 1.000 đồng/lít, giá xăng xác lập kỷ lục mới - 21/02/2022
- F0 điều trị tại nhà, không khai báo với trạm y tế sẽ bị mất 2 khoản tiền này - 21/02/2022
- Giá xăng dầu có thể lại tăng mạnh vào ngày mai - 20/02/2022
- Đà Nẵng sắp chi hỗ trợ 3 triệu đồng tới hộ dân gặp khó khăn do Covid-19 - 18/02/2022
- Bắt giữ hơn 85.000 test nhanh COVID-19 nhập lậu trị giá hơn 8 tỷ đồng - 18/02/2022
- Trẻ mầm non đi học từ ngày 21-2 - 16/02/2022
- Tìm thấy thi thể nghi là nam sinh viên mất tích khi đi nhập học ở TP.HCM - 15/02/2022
Các tin khác
- Valentine 2022: Màn tỏ tình ấn tượng vừa diễn ra tại Hà Nội với 99.999 bông hồng - 14/02/2022
- Bộ Tài chính: Điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần là hợp lý - 12/02/2022
- Giá xăng dầu sẽ tăng mạnh vào ngày mai? - 10/02/2022
- Bộ Y tế: 11 dấu hiệu F0 khi điều trị tại nhà cần được cấp cứu và chuyển viện kịp thời - 10/02/2022
- Bộ Y tế công bố kết quả cuộc khảo sát về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi - 09/02/2022
- Thu giữ gần 100 nghìn Bitcoin bị đánh cắp: 4,5 tỷ USD nằm gọn trong một chiếc "USB" - 09/02/2022
- 1.000 trẻ mồ côi vì COVID-19 được nuôi dạy tại Đà Nẵng - 09/02/2022
- Làm thế nào để không 'dăm bữa nửa tháng' đóng - mở cửa trường liên tục như trước? - 09/02/2022
- 63 tỉnh thành đã lên kế hoạch cho trẻ mầm non đi học trong tháng 2 - 08/02/2022
- Cấp độ dịch Covid-19 mới nhất của 63 tỉnh, thành phố - 07/02/2022