Cẩn trọng khi mua thuốc 'xách tay' trị Covid-19
Arbidol (Umifenovir) thực chất là thuốc kháng virus phổ rộng được Nga, Trung Quốc sử dụng dự phòng và điều trị cúm mùa; còn Liên hoa Thanh ôn chứa chất gây nghiện, không có tác dụng trị Covid.
Tại Việt Nam, thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp phép, hiện bán phổ biến trên mạng xã hội và kênh online. Thuốc được "xách tay" (nhập khẩu không chính thức) từ Nga hoặc Trung Quốc, vỏ màu xanh hoặc đỏ, chữ Trung Quốc hoặc Nga, nên người mua hay gọi "thuốc xanh" "thuốc đỏ".
Dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết gần đây liên tục nhận được nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn về thuốc điều trị Covid-19 "xách tay" từ Nga, Trung Quốc. Các loại thuốc này được người bán quảng cáo "ít tác dụng phụ, uống êm ái cho người cao tuổi, uống sớm phòng ngừa yếu tố hậu Covid". Câu hỏi dược sĩ Tuyến thường gặp gồm: "đây là thuốc gì", "tác dụng như thế nào", "có nên mua hang không", "mua thuốc xanh hay thuốc đỏ"...
Theo khảo sát VnExpress, các loại thuốc này được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội... nên người dân dễ tiếp cận và tìm mua, giá nào cũng có, ship tận nơi theo yêu cầu. Hiện giá thuốc bị đẩy lên gấp 3-4 lần, thường xuyên cháy hàng trong bối cảnh ca nhiễm tăng nhanh, nhiều F0 điều trị tại nhà.
Dược sĩ Tuyến cho biết "thuốc xanh, thuốc đỏ" Arbidol (Umifenovir) được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch, tuy nhiên kết quả về hiệu quả của thuốc là không đồng nhất giữa các nghiên cứu. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus...
"Nhiều nghiên cứu lâm sàng thuốc đã tạm dừng do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn của thuốc lớn hơn nhiều so với hiệu quả", dược sĩ nói.
Ngoài ra, theo dược sĩ Tuyến, thuốc kháng virus có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy người dùng các thuốc này cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc cũng có nhiều chống chỉ định, đòi hỏi người dùng phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng và giám sát tác dụng phụ.
Thuốc là một mặt hàng đặc biệt liên quan đến sức khỏe của con người, cả trước mắt và lâu dài, quy trình cấp phép thuốc rất chặt chẽ. Những loại thuốc "xách tay" nói trên chưa được Bộ Y tế cấp phép. Vì vậy, dược sĩ cho rằng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, vừa sai về mặt pháp lý do thuốc không được cấp phép lưu hành, vừa nguy hại tới tính mạng khi dùng không đúng chỉ định, vừa tạo cơ hội cho người bán trục lợi cá nhân.
Một số thuốc không rõ xuất xứ đang được rao bán với quảng cáo "điều trị Covid-19". Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Một loại thuốc khác đang được nhiều người, nhất là ở miền Bắc, truyền nhau sử dụng điều trị Covid là Liên hoa Thanh ôn. Tuy nhiên Liên hoa Thanh ôn đang bị nhiều nước cảnh báo là có chất gây nghiện, nguy hiểm cho người dùng điều trị Covid. Thuốc này cũng không được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách thuốc dành cho bệnh nhân Covid-19.
Theo dược sĩ, Liên hoa Thanh ôn phổ biến trong đợt bùng phát SARS năm 2003, được Trung Quốc sử dụng như một loại thuốc không kê đơn điều trị cảm lạnh. Thuốc chứa các thảo dược như cây kim ngân, hoa kim ngân Nhật Bản, cây ma hoàng và rễ thông. Thuốc được cho là có tác dụng giải độc phổi và thanh nhiệt, người dân Trung Quốc truyền nhau như một phương pháp điều trị Covid-19 khi Omicron lây lan nhanh.
Hui Yang, phó giáo sư y học dự phòng và y học đa khoa tại Đại học Monash, Australia, cho biết trên ABC News, rằng Liên hoa Thanh ôn được Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc phê duyệt để điều trị người nhiễm virus họ corona có triệu chứng nhẹ như ho, sốt và mệt mỏi.
Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) mới đây thông báo không cấp phép lưu hành Liên hoa Thanh ôn bởi nó chứa ma hoàng, thành phần chính tạo ra methamphetamine (chất gây nghiện tổng hợp). Người phát ngôn của TGA cho biết: "Cây ma hoàng có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với bệnh nhân, bao gồm nhiễm độc tim, tổn thương mắt không thể phục hồi và suy giảm lượng đường trong máu".
Theo TGA, Trung Quốc cho phép sử dụng ma hoàng để điều trị các bệnh như cảm lạnh và hen suyễn. Song, người bệnh cần được bác sĩ có trình độ về y học cổ truyền theo dõi chặt chẽ. "Cây ma hoàng không được chấp nhận như loại thuốc điều trị Covid-19 và không nên sử dụng thuốc này trị Covid", TGA khuyến cáo.
Giới chức Singapore hồi cuối năm 2021 cũng cảnh báo về việc sử dụng Liên hoa Thanh ôn chữa Covid-19. Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) cho biết thuốc không được cấp phép điều trị người nhiễm nCoV.
Một số sản phẩm Liên hoa Thanh ôn nằm trong nhóm thuốc độc quyền của Trung Quốc tại Singapore, giúp giảm triệu chứng cảm cúm. "HSA phê duyệt chúng dựa trên công dụng ghi nhận từ các thành phần, song đến nay chưa có bất cứ bằng chứng lâm sàng nào cho thấy thuốc có thể ngăn ngừa hoặc điều trị Covid-19", CNA trích dẫn HSA.
Theo HSA, các thuốc thảo dược trị cảm lạnh thông thường và cảm cúm chỉ nên sử dụng để làm giảm các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng và ho.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) từng cảnh báo một số công ty dược phẩm đã quảng cáo sai lệch về Liên hoa Thanh ôn rằng chúng có thể giảm thiểu, ngăn ngừa, điều trị Covid-19.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế chưa có cảnh báo nào về thuốc Liên hoa Thanh ôn, còn với Arbidol và Areplivir, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, nhập khẩu chính thức. Thuốc bán trên mạng, nhóm diễn đàn đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng và được "cam kết điều trị bằng miệng"...
Thời gian qua, Công an Hà Nội phối hợp Cục Quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ ba vụ vận chuyển, tàng trữ thuốc điều trị Covid-19 có chữ nước ngoài trên sản phẩm nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Bộ Y tế từng yêu cầu Sở Y tế TP HCM kiểm tra, xác minh tình trạng mua bán thuốc điều trị Covid-19 (đang thử nghiệm lâm sàng, chưa được phép lưu hành) trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.
Các chuyên gia khuyến cáo F0 không liên hệ được y tế do quá tải nên tỉnh táo lựa chọn kênh thông tin để được giúp đỡ, không lãng phí tiền bạc và tiếp tay cho nhóm buôn lậu thuốc. Người dân cũng không nên sử dụng theo các đơn thuốc được lan truyền trên mạng mà không phải bác sĩ kê toa cho mình. Thực tế đã có nhiều trường hợp dùng sai thuốc, quá liều gây ngộ độc. Tùy vào triệu chứng bệnh của bạn, bác sĩ sẽ đề nghị riêng phác đồ điều trị, vì có loại thuốc chống chỉ định mà F0 không thể nắm được hết.
Thùy An - Thục Linh/ vnexpress
Tin mới
- Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - 24/03/2022
- Trẻ dưới 12 tuổi từng là F0, có cần tiêm vaccine phòng COVID-19? - 22/03/2022
- Nữ hành khách từng 'náo loạn' sân bay bị truy tố tội cướp tài sản - 22/03/2022
- Cả nhà F0, người âm tính trước có cần cách ly với những người còn lại? - 17/03/2022
- Giá xăng có thể tăng lên gần 40.000đ/lít? - 15/03/2022
- Bốn cách đòi tiền khi người vay không chịu trả - 12/03/2022
- Tạm hoãn xuất cảnh với bà Nguyễn Phương Hằng - 11/03/2022
- Danh sách 26 người bị khởi tố trong vụ kit xét nghiệm Việt Á - 11/03/2022
- Giá xăng sẽ tăng mạnh vào ngày mai? - 10/03/2022
- Đà Nẵng chuẩn bị thí điểm khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp - 09/03/2022
Các tin khác
- Giá xăng có thể lên tới 30.000 đồng/lít? - 08/03/2022
- Đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, tạm dừng thông báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày - 06/03/2022
- Xử phạt 25 triệu đồng với cặp vợ chồng đang là F0, F1 nhưng vẫn ung dung đi mua bán xe máy - 05/03/2022
- Trộm của dì 250 triệu đồng rồi mặc sức đi hát karaoke, 'bo' không tiếc tay cho các nữ tiếp viên - 02/03/2022
- Cấp bách đưa kit test COVID-19 vào bình ổn giá - 02/03/2022
- Ca nhiễm tăng cao, Đà Nẵng lo 'lực lượng y tế không thể đảm đương nổi' - 01/03/2022
- Xôn xao về đoạn tin tài xế xe ôm công nghệ tiết lộ doanh thu hơn 60 triệu/tháng, gửi lời chúc đồng nghiệp đạt 5 triệu/ngày? - 01/03/2022
- [Infographic] Bộ Y tế ban hành: Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà - 28/02/2022
- Giá xăng tiếp tục tăng vào ngày mai? - 28/02/2022
- Vừa 'thổi' giá kit test nhanh, chủ tiệm thuốc đã bị 'mất trí nhớ' khi bị kiểm tra - 27/02/2022